Ngày nay, hầu hết mọi hoạt động thông tin của con người đều diễn ra trong môi trường kỹ thuật số: Chúng ta cập nhật và chia sẻ tin tức hàng ngày trên Facebook, tìm kiếm thông tin trên Google – Bing, mua hàng online trên Shopee – Lazada, xem film trên Netflix, giải trí và tìm hiểu kiến thức qua Youtube, livestream bán hàng trên Tiktok, v.v. Không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghệ, marketing là một trong những lĩnh vực tiên phong trong ứng dụng công nghệ số và Digital Marketing đã mở ra phương thức và cơ hội mới giúp doanh nghiệp bứt phá và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Digital Marketing là gì?
Digital Marketing (tiếp thị công nghệ kỹ thuật số, hay tiếp thị số) là làm tiếp thị trong môi trường kỹ thuật số, dựa vào việc ứng dụng những phương thức, phương tiện, công cụ, nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Cơ sở cơ bản nhất để Digital Marketing hoạt động là các thiết bị kỹ thuật số (máy tính, điện thoại di động thông minh, màn hình hiển thị kỹ thuật số (Smart TV), v.v.) cùng hệ thống phần mềm, dữ liệu, con người, và sự kết nối giữa các đối tượng này mà chủ yếu là thông qua Internet.
Cốt lõi của Digital Marketing nằm ở các yếu tố:
- Sử dụng phương thức, phương tiện, công cụ, và nền tảng công nghệ kỹ thuật số.
- Vận hành trong môi trường kỹ thuật số: Kết nối và tương tác giữa con người – con người, con người – hệ thống phần mềm thông qua phương tiện kỹ thuật số.
- Sử dụng dữ liệu: Không chỉ thông tin đơn thuần, mọi hoạt động trong môi trường kỹ thuật số đều được ghi nhận và trở thành dữ liệu phản ảnh chân thực nhất đặc điểm của các đối tượng. Điều này tạo nên khả năng khai phá dữ liệu, phân tích và ra quyết định dựa trên dữ liệu khách quan thay vì cảm tính.
Digital Marketing có thể làm gì?
Digital Marketing có thể được ứng dụng để mở rộng khả năng của marketing truyền thống và thực hiện một cách tối ưu, hiệu quả, thuận tiện các nhiệm vụ của marketing như:
- Nghiên cứu thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh.
- Marketing Mix.
- Xây dựng, phát triển thương hiệu
- Quan hệ công chúng
- Quảng cáo và truyền thông đại chúng
- Tiếp thị thương mại số (Digital Trade Marketing)
- Bán hàng, quan hệ Khách hàng.
Digital Marketing gồm những gì?
Dưới đây là những phương tiện, công cụ, nền tảng phổ biến nhất đang được sử dụng cho Digital Marketing ở Việt Nam (tuy nhiên Digital Marketing không chỉ giới hạn những phương tiện này):
- Website: Website là phương tiện thông dụng và cơ bản nhất, vừa là phương tiện nhưng cũng đồng thời là mục tiêu cần truyền thông. Mặc dù không bắt buộc phải có mặt website trong một chiến dịch Digital Marketing khi việc chuyển đổi có thể diễn ra ngay trên các sàn thương mại điện tử, hay thông điệp truyền thông có thể được biểu đạt ngay trên social media, nhưng website vẫn đóng vai trò là phương tiện chính thống, là trụ sở của doanh nghiệp trên mạng Internet. Khách hàng sẽ luôn đặt câu hỏi: Liệu tôi có nên tin tưởng giao dịch với một công ty không có trụ sở?!
- Nền tảng quảng cáo trực tuyến (Google Ads, Facbook Ads, Ads networks, v.v.): Sử dụng những nền tảng quảng cáo trực tuyến để tiếp cận chính xác đối tượng Khách hàng mục tiêu, truyền tải thông điệp cá nhân hóa tới từng nhóm đối tượng để gia tăng nhận diện thương hiệu hoặc tạo chuyển đổi thành đơn hàng.
- Mạng xã hội – Social Media (Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube, Diễn đàn, LinkedIn, Blogs, v.v.): Sử dụng các nền tảng mạng xã hôi để chia sẻ, lan tỏa thông tin và tương tác với công chúng và Khách hàng, Khách hàng tiềm năng,
- Bộ máy tìm kiếm (Search Engine Marekting – SEM): Sử dụng bộ máy tìm kiếm như Google, Bing, và các công cụ liên quan để nghiên cứu thị trường, tiếp cận Khách hàng có nhu cầu thông qua tối ưu từ khóa hoặc quảng cáo theo từ khóa.
- Thư điện tử – Email: Từ khi các dịch vụ OTT (Zalo, Viber, Facebook messenger, v.v.) ra đời, công cụ e-mail đã giảm tỷ lệ sử dụng trong trao đổi thông tin hàng ngày giữa các cá nhân vì tin nhắn multimedia qua internet không chỉ hoàn toàn miễn phí mà còn nhanh, tức thì, thuận tiện hơn phương tiện e-mail truyền thống. Tuy vậy, e-mail vấn là kênh trao đổi thông tin chính thống được sử dụng trong, và giữa các tổ chức, doanh nghiệp nên không thể bỏ qua nếu đối tượng Khách hàng của bạn là tổ chức (mô hình B2B).
- Các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, ChoTot.com.
- Ứng dụng di động, trò chơi điện tử (Mobile apps & Games): Hiển thị quảng cáo và tiếp cận Khách hàng tiềm năng trên các ứng dụng di động và trò chơi điện tử của người dùng điện thoại thông minh (thông qua các mạng quảng cáo di động – Mobile Ads Network).
Sự khác biệt giữa Digital Marketing và Online Marketing
Online Marketing (tiếp thị trực tuyến) là một phần của Digital Marketing. Online Marketing là hình thức Digital Marketing sử dụng mạng Internet làm phương tiện trao đổi thông tin. Digital Marketing theo nghĩa rộng hơn, bao hàm cả các hoạt động marketing ứng dụng thiết bị, công nghệ số nhưng không cần sử dụng Internet như: Tin nhắn SMS, thiết bị hiển thị và tương tác điện tử – Digital Signage (VD: bảng tin – quảng cáo điện tử tại TTTM, nhà ga, ngân hàng; Menu điện tử tại các nhà hàng, siêu thị.
Một số khái niệm, chỉ số, thuật ngữ trong Digital Marketing nhà quản lý cần biết.
- ROI – Return On Investment: Doanh thu bán hàng/Ngân sách đã chi.
- CPA – Cost Per Action: Ngân sách đã chi/Số chuyển đổi thành hành động mong muốn (mua hàng, download, xem trang, v.v.).
- CPL – Cost Per Lead: Chi phí để có được mỗi Khách hàng tiềm năng.
- CPS – Cost Per Sale: Chi phí để có được mỗi đơn hàng.
- CPM – Cost Per Mile: Chi phí trên 1000 lượt hiển thị nội dung quảng cáo.
- CPE – Cost Per Engagement: Chi phí phải trả khi người xem có bất kỳ hành vi nào tác động lên quảng cáo của mình như like, share, bình luận, bấm vào link dưới quảng cáo, bấm nút tạm dừng, bấm vào xem page, kéo xuống đọc bình luận, v.v.
- CPV – Cost Per View: Chi phí cho 1 người dùng xem quảng cáo video vượt quá một ngưỡng thời gian nhất định (với Facebook video là 3 giây, Youtube video là 5 giây).
- CTR – Click Through Rate: Tỷ lệ click vào quảng cáo/số lượt hiển thị quảng cáo.
- CR – Conversion Rate: Tỷ lệ chuyển đổi (thành đơn hàng, lượt download, lượt truy cập, v.v.).
- Lượt tiếp cận (Reach) và lượt hiển thị (Impressions) trên Facebook:
- Reach – Lượt tiếp cận: Số người mà quảng cáo đã hiển thị tới (số người đã xem quảng cáo).
- Impressions – Lượt hiển thị: Số lần quảng cáo đã được hiển thị (Trong một chiến dịch quảng cáo, một nội dung quảng cáo có thể được hiển thị nhiều lần tới một người tiếp cận được – Reach).
- Traffic – Lượt truy cập: Tổng số lượng truy cập tới phương tiện truyền thông của bạn (VD: website).
- Traffic by Source – Lượt truy cập theo nguồn: Số lượng truy cập phân loại theo từng nguồn. VD: Truy cập trực tiếp (direct), Google, Zalo, Facebook, v.v.
- Traffic by Medium – Lượt truy cập theo kênh/phương tiện dẫn. VD: Tìm kiếm tự nhiên (SEO), Liên kết từ nguồn khác (referal), Mạng xã hội, Email, v.v.
- Traffic by Campaign – Lượt truy cập theo chiến dịch. Cho biết truy cập đến từ chiến dịch marketing nào. VD: Đến từ chiến dịch quảng cáo từ khóa Google Ads tháng 6/2023, hay từ chiến dịch email marketing sự kiện giảm giá 6/6/2023, v.v.
- Các chỉ số tương tự cho Traffic như Khách tiềm năng, Đơn hàng, v.v. (Khách tiềm năng hoặc đơn hàng theo nguồn/kênh dẫn/chiến dịch, v.v.)
- Remarketing – Tiếp thị lại: Tiếp thị lại là hình thức tiếp cận lại những Khách đã từng tiếp xúc với kênh truyền thông của doanh nghiệp (website, Facebook fanpage). Việc tiếp cận lại này thường được thực hiện liên tục và lặp đi lặp lại, có thể với cùng một nội dung hoặc nhiều nội dung thông điệp khác nhau để kích thích Khách hàng hành động (mua hàng, click tìm hiểu sản phẩm, v.v.) hoặc để tăng sự hiện diện thương hiệu/nhãn hiệu. Tiếp thị lại không thể thực hiện nếu không có các nền tảng marketing kỹ thuật công nghệ số như Google Ads hoặc Facebook Ads – những công nghệ mạnh mẽ giúp “theo dõi” từng bước chân của Khách hàng trên Internet.
Lợi ích của Digital Marketing?
- Quyết định và hành động dựa trên phân tích dữ liệu nhờ khả năng thu thập, đo lường, tổng hợp số liệu và dữ liệu hành vi người dùng theo thời gian thực. Do vậy một lưu ý nên hiểu là Digital Marketing không nhất thiết là có chi phí thấp hơn marketing truyền thống, nhưng khả năng kiểm soát và tối ưu hoạt động marketing tốt hơn dựa trên phân tích số liệu khách quan, và nhờ vậy mang lại kết quả tốt hơn trên cùng mức ngân sách đầu tư.
- Linh động, ứng biến nhanh với những thay đổi của thị trường, sản phẩm, Khách hàng. Ví dụ: Bạn có thể liên tục cải tiến các thông điệp quảng cáo theo tần suất hàng ngày, thậm chí hàng giờ dựa trên dữ liệu phân tích tỷ lệ chuyển đổi và hành vi Khách hàng để tăng tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng.
- Tiếp cận Khách hàng ở phạm vi, quy mô, tần suất lớn không phụ thuộc vào vị trí địa lý.
- Tương tác hai chiều, giúp phát triển quan hệ và thấu hiểu Khách hàng.
- Phân loại và cá nhân hóa tiếp thị tới từng nhóm đối tượng Khách hàng.
- Thuận tiện. Ví dụ: Khi không có Digital Marketing, để tìm hiểu về nhu cầu thị trường bạn tốn rất nhiều thời gian thực hiện tiếp xúc trực tiếp Khách hàng và khảo sát, quan sát điểm bán của đối thủ, v.v. Với các công cụ Digital Marketing bạn có thể nắm bắt các thông tin cần thiết thông qua nghiên cứu từ khóa, website và quảng cáo của đối thủ hoàn toàn thông qua hình thức online.
Ví dụ kịch bản dễ hiểu về Digital Marketing.
Để hình dung rõ ràng hơn về những nội dung phức tạp được ITCom đề cập ở trên, hãy cùng phân tích ví dụ triển khai Digital Marketing tại Shop hoa Tigon.
Để lại một bình luận